Nghĩ về lời đặt hàng của Thủ tướng
Ngọc Hùng
![]() |
Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội để tăng giá trị cho nông sản nếu đầu tư chế biến sâu nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Ảnh: LHV. |
(TBKTSG Online) – Trong vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp luôn nhận được những lời đặt hàng từ Thủ tướng như hãy mang về 10 tỉ đô la cho con tôm hay mới nhất khi làm việc ở Tây Ninh với lời đặt hàng ngành nông nghiệp phải vào tốp 15 thế giới.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam có 27 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 80% diện tích đất tự nhiên. Cũng nhờ vậy mà nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam luôn nằm ở tốp đầu của thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản…
Tuy nhiên, nhìn vào chi tiết từng mặt hàng thì đa phần những mặt hàng nông sản của Việt Nam đều xuất khẩu thô. Cụ thể, 90% sản lượng cà phê của Việt Nam là xuất khẩu nhân cà phê, tức xuất thô; gạo chủ yếu là bán cho thị trường Trung Quốc, châu Phi hay các nước trong khu vực ASEAN như Philippines mà ở đó Việt Nam thắng thầu là nhờ bỏ giá thấp hơn các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ…
Thủy sản với tôm và cá tra là chủ lục nhưng trong đó, con cá tra 90% sản phẩm là dạng phile đóng gói xuất khẩu. Hạt điều cũng là xuất khẩu nhân điều mà giá trị gia tăng là nhờ vào công chế biến. Một mặt hàng cũng rơi vào tình trạng chủ yếu xuất thô là rau quả, trái cây các loại.
Theo Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 22 triệu tấn rau củ quả, với tốc độ tăng trưởng trên 40% mỗi năm. Tuy nhiên, sản phẩm bán đi chủ yếu là sơ chế, chỉ có khoảng 9% sản phẩm được chế biến sâu. Nghĩa là, một khi tăng được tỉ lệ chế biến sâu sẽ giúp tăng giá trị cho nông sản nên mỗi năm thu về số tiền nhiều hơn 3 tỉ đô la Mỹ, ngành nông nghiệp sẽ làm được.
Vậy là nông dân đã tận dụng, vắt kiệt sức đất để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp để mang về vài chục tỉ đô la Mỹ mỗi năm nhưng nếu không có những chuyển đổi mạnh mẽ thì giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp khó tăng. Ở một khía cạnh nào đó, giá trị của ngành nông nghiệp đã đi đến giới hạn vì chỉ chọn vị trí thấp nhất trong chuỗi phát triển sản phẩm nếu không có những bước đột phá trong thời gian tới.
Bằng chứng là nhìn vào số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT công bố hàng năm sẽ thấy, giá trị xuất khẩu của một mặt hàng nông sản nào đó tăng hay giảm điều phụ thuộc vào giá bán trong có mặt hàng đó từng năm chứ không phải gia tăng kim ngạch nhờ chế biến, thương hiệu uy tín. Trong thời gian qua, câu chuyện xuất khẩu gạo, cà phê hay hồ tiêu là một dẫn chứng.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) có lần chia sẻ, một lần đi khảo sát thị trường nước ngoài, ông cầm trên tay một gói điều nhân đóng gói bán trong siêu thị với giá gần 20 đô la Mỹ, trong khi, mặt hàng này, doanh nghiệp trong nước xuất khẩu chưa đến 10 đô la/kg điều nhân, tức là, chỉ cần qua khâu chế biến sâu, một kg hạt điều nhân đã tăng lên gấp mấy lần giá trị.
Vì thế, mấy năm qua, Vinacas luôn khuyến khích các doanh nghiệp tìm cách tham gia vào chế biến sâu. Nhờ vậy, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu những mặt hàng như điều tẩm mật ong, điều rang muối, điều hữu cơ… song song với những mặt hành điều nhân đóng gói xuất khẩu như lâu nay.
Do đó, lời đặt hàng ngành nông nghiệp nằm trong top 15 thế giới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc làm việc với các doanh nghiệp tại Tây Ninh trong tuần qua chỉ có thể làm được khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, chế biến theo giá trị gia tăng mà thôi. Song, nếu không đạt top 15 của thế giới thì cũng giúp Việt Nam tăng được giá trị xuất khẩu thu về mỗi năm vì sức đất cũng đã đến giới hạn rồi.
Việt Nam xuất siêu rau quả, giá trị thặng dư gần 1,6 tỉ đô la
Nguồn: thesaigontimes.vn